Học tập - kết nối - chia sẻ

Nghề SEO – Trả lời phỏng vấn chị Thanh Tâm báo VnExpress.net

Nghề SEO là gì? Mới đây chị Thanh Tâm của báo Vnexpress.net đã đăng bài viết nói về nghề SEO (xem chi tiết tại đây), tại bài viết này mình cũng vinh dự được đóng góp một số thông tin tuy nhiên vẫn bài viết vẫn chưa nói được hết ý của mình. Vậy nên mình tổng hợp lại các câu hỏi của chị Thanh Tâm cũng như câu trả lời của mình khi nói về nghề SEO để các bạn có thêm thông tin về một ngành nghề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm nhé.

1. Nam có thể cho biết một số điểm chính mô tả lại công việc của một SEOer? Đây có thể xem là một nghề được ko?

SEOer hay còn gọi là người làm SEO – một người quản trị trang web và biết sử dụng các kỹ thuật tối ưu để khiến trang web thân thiện hơn với công cụ tìm kiếm, từ đó giúp website của doanh nghiệp có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng tìm kiếm với các từ khóa mà người dùng (khách hàng của doanh nghiệp) tìm kiếm trên Internet.

Mỗi doanh nghiệp đều có các sản phẩm và dịch vụ khác nhau tương ứng với từng từ khóa khác nhau. Công việc chính của các SEOer đó là sử dụng các kỹ năng của mình để đưa trang web của doanh nghiệp lên vị trí cao trên bảng xếp hạng tìm kiếm, SEO tốt, cũng giống như doanh nghiệp đang đặt trụ sở ở mặt phố chính vậy.

Trong quá trình dựng SEO cho trang web, các SEOer sẽ cần đưa ra các phương án tối ưu chỉnh sửa lại cấu trúc website sao cho phù hợp với các tiêu chí của từng công cụ tìm kiếm. Sau đó các SEOer sẽ lên danh sách các từ khóa cần thiết để hỗ trợ cho từ khóa SEO chính của doanh nghiệp (các từ khóa này chính là những truy vấn tìm kiếm liên quan tới các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp). Sau khi đã có từ khóa cần SEO các SEOer sẽ tiến hành tối ưu các nội dung trên trang web và sau đó sẽ quảng bá trang web của mình trên các diễn đàn, blog các trang web khác và quảng bá trên các kênh mạng xã hội như Facebook… Sau một thời gian tối ưu các trang web sẽ có sự thay đổi về thứ hạng, công việc của các SEOer sẽ được lặp đi lặp lại theo thời gian cho tới khi nào lên được vị trí như mong muốn lúc đó mới tạm dừng và chuyển sang các kỹ thuật duy trì thứ hạng. Tất cả các quy trình làm SEO đều được thực hiện thông qua máy tính và Internet.”

Theo tôi, phàm những gì phải bỏ công sức , trí tuệ ra để kiếm sống, thì đều là nghề. Vâng! SEO là một nghề.….

2. Bạn đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nghề SEO tại Việt Nam hiện nay?

Phát triển mạnh tại Việt Nam từ năm 2010, cho tới nay nhu cầu tìm kiếm người làm SEO của các doanh nghiệp mới gia tăng, số lượng người làm SEO tại Việt Nam cũng lên tới hàng ngàn người. SEO ngày nay được các doanh nghiệp quan tâm, những doanh nghiệp có website đều dành chỗ cho người làm công việc SEO.  Nếu có kỹ năng làm SEO tốt, ngoài công việc tại một công ty nào đó, người làm SEO hoàn toàn có thể tự xây dựng các trang web cá nhân để tự kinh doanh hoặc tự kiếm tiền trên mạng, tạo ra các thu nhập thụ động cho bản thân. Chính vì thế ngày càng có nhiều người quan tâm tới nghề SEO.

3. Trên nhiều diễn đàn hiện nay không ít gương thành công trong nghề nhưng cũng không ít lời than vãn của các thành viên đã từng làm nghề phải bỏ dỡ vì nguyên nhân căn bản là thu nhập quá thấp không đủ trang trải cuộc sống. Thực tế này khác xa với những thông tin về thu nhập cao của nghề SEO trước đó. Bạn nghĩ gì về điều này?

Chuyện thu nhập từ nghề SEO cũng giống như những nghề khác nên sẽ có người cao, người thấp. Ví dụ như đều là ca sĩ, có người thu nhập cả trăm triệu/show diễn nhưng cũng có người chỉ vài ba triệu… Đối với nghề SEO thu nhập cao hay thấp còn phụ thuộc vào khả năng của từng người, ở đó còn bao gồm cả trách nhiệm, nhiệt huyết, mức độ cầu thị, cầu tiến… ngoài ra còn tùy thuộc vào môi trường làm việc (ví dụ như định hướng phát triển của công ty, nhu cầu và hiểu biết của các khách hàng sử dụng dịch vụ SEO).

4. Theo bạn đâu là nguyên nhân thất bại của họ?

Dấn thân vào nghề SEO, cũng có nghĩa bạn đặt mình vào một vòng loại – có người thành công, ắt có người thất bại, vì vậy đôi khi cho dù bạn có nhiệt huyết, có đam mê nhưng nếu khả năng của bạn vẫn chưa đạt, bạn vẫn kém người làm SEO khác trong cùng lĩnh vực thì bạn sẽ thất bại.

5.  Theo tôi được biết một giáo viên dạy SEO cho các công ty ở nước ngoài, mỗi lần làm việc khoảng 4 tiếng đồng hồ, họ có thể yêu cầu trả ở mức từ $600 – $1200 tương đương 12 – 24 triệu VNĐ. Vậy với một người hiện đang giữ vị trí tư vấn và đào tạo nghề SEO tại Việt Nam, bạn có thể cho biết thu nhập của mình đang ở mức nào? Và bạn đã làm gì để đạt được mức thu nhập mà giúp bạn gắn bó và yêu nghề SEO?

Là một trong những người làm SEO từ những ngày đầu, với kinh nghiệm của mình tôi không chỉ làm SEO, dạy SEO mà còn tư vấn chiến lược SEO cho một số công ty khác. Thu nhập của tôi đến từ những nguồn này cũng giúp tôi và gia đình đủ trang trải cuộc sống tại thành phố đắt đỏ này một cách đàng hoàng. Tôi nuôi được nhân viên, có nhiều học trò, mở mang được nhiều mối quan hệ trong công việc cũng như đời sống. Thực tế nghề đào tạo SEO hiện nay vẫn chưa thực sự mang lại lợi nhuận như tôi mong muốn, nhưng tôi gắn bó vì tôi thích nó – cái nghề SEO, tôi thích được chia sẻ, và nữa tôi thuộc tuyp người: “nhà chả có gì ngoài điều kiện…lao động“. Hơn nữa, tôi là một người khá lạc quan.

6. Theo nhiều ý kiến, SEO tại Việt Nam là trào lưu nên khó là một nghề tồn tại lâu dài. Bạn nghĩ sao về điều này?

Thực tế trên thế giới đã có rất nhiều bài viết nói về tương lai của nghề SEO vẫn còn rất rộng mở, tôi cho rằng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền thương mại điện tử thì nghề SEO càng có nhiều cơ hội phát triển. Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay tôi nhận thấy các doanh nghiệp đang nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của SEO nên ngày càng đầu tư nhiều hơn vào Online Marketing, và SEO đã đang và sẽ luôn một phần không thể thiếu của Internet Marketing. Chính vì vậy cá nhân tôi tin rằng Nghề SEO tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

7. Hiện nay lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam, theo kinh nghiệm của bạn SEO sẽ có tác động tích cực lẫn tiêu cực như thế nào đến thương mại điện tử trong thời gian tới?

Hiện nay SEO đang là cầu nối giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng. Chỉ với vài thao tác trên trang web, người tiêu dùng đã có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin liên quan tới sản phẩm mà mình quan tâm. Nếu bạn không làm SEO, website của bạn sẽ khó có vị trí cao trên bảng xếp hạng của công cụ tìm kiếm, và như vậy bạn sẽ gặp khó khăn để có thể tiếp cận được khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, đôi lúc các trang làm SEO cho dù rất tốt, nhưng cũng chưa phải chiếc chìa khóa để mở được cánh cửa,  tìm kiếm và gắn bó với người tiêu dùng,,,nếu như những site đó chưa thực sự cung cấp được các sản phẩm đúng như những gì họ đã khẳng định, quảng bá trên site. Chính vì vậy người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại , không thực sự tin cậy vào cách mua bán online.  Đối với một site điện tử, nhất là site kinh doanh, thương mại, bán hàng trực tuyến, nếu như khách hàng chỉ đến một lần rồi “ra đi không trở”  lại do chính sản phẩm của họ không OK,  thì lúc đó, cho dù SEO có nỗ lực, tài giỏi đến mấy, thì việc tác động vào việc kinh doanh của đơn vị cũng chỉ là “ cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Theo tôi, ở bất kể ngành nghề gì, thì chất lượng của sản phẩm vẫn là yếu tố tiên quyết.